SAU TỐT NGHIỆP, ĐIỀU DƯỠNG VIÊN LÀM VIỆC Ở ĐÂU?

SAU TỐT NGHIỆP, ĐIỀU DƯỠNG VIÊN LÀM VIỆC Ở ĐÂU?

09:42 - 27/06/2022

Dù có làm việc ở bất kỳ đâu thì mọi điều dưỡng viên đều phải tự rèn luyện cho mình một thể lực dẻo dai, trang bị kiến thức chuyên môn tốt và khả năng chịu được áp lực cao. Cùng tìm hiểu những nơi mà điều dưỡng viên có thể đầu quân sau khi tốt nghiệp chương trình học nghề tại Đức nhé

Viện dưỡng lão (Altenheim)

Công việc chủ yếu của điều dưỡng viên tại Đức làm việc ở các viện dưỡng lão là chăm sóc, trò chuyện và hỗ trợ người già thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Bạn lưu ý không nên làm mọi thứ thay cho những người cao tuổi mà chỉ tạo điều kiện để họ có thể tự thực hiện các sinh hoạt hàng ngày trong giới hạn cho phép. Bạn chỉ nên làm giúp khi họ thực sự không đủ khả năng thực hiện một hoạt động nào đó. Ngoài ra bạn còn phải thường xuyên quan sát và nhanh chóng báo cáo tình hình sức khỏe của người già nếu có biến chuyển xấu cho cấp trên để có thể xử lý kịp thời. Hệ thống thiết bị y tế tiên tiến tại Đức sẽ giúp điều dưỡng viên giảm thiểu đáng kể sức lực trong quá trình chăm sóc. Công việc của các điều dưỡng thường được chia thành 3 ca là sáng, chiều và tối. Khi làm việc ca sáng và ca chiều bạn sẽ có khoảng 30 phút nghỉ giữa giờ. Nếu làm ca tối thì bạn sẽ được sắp xếp nghỉ ngơi tùy theo cường độ công việc.

 

Trung tâm hồi phục chức năng (Reha)

Tùy vào chuyên ngành học, điều dưỡng viên tại Đức có thể làm việc ở các trung tâm hồi phục chức năng tại 1 trong 3 khoa là vật lý trị liệu, vận động trị liệu hoặc tâm lý trị liệu. Điều dưỡng viên làm việc tại các trung tâm phục hồi sẽ hỗ trợ người bệnh trong quá trình thực hiện trị liệu, cụ thể là các trường hợp bị rối loạn chức năng bao gồm vận động, các giác quan trong cơ thể như nghe nói hay các hệ cơ quan khác như gan, thận.

 

Phòng cấp cứu (Ambulanz)

Làm việc tại phòng cấp cứu được đánh giá là một trong những công việc áp lực nhất đối với điều dưỡng viên mới tốt nghiệp. Cụ thể thì điều dưỡng viên tại Đức làm việc ở phòng cấp cứu sẽ túc trực tại khoa ngoại trú của các bệnh viện hoặc phòng khám để trực tiếp hỗ trợ bác sĩ, ghi chép hồ sơ bệnh án và theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân. Điều dưỡng viên sẽ tham gia xử lý tất cả các trường hợp cấp tính từ nhiễm khuẩn, đột quỵ, tai nạn giao thông/ tai nạn lao động, nhồi máu cơ tim đến các bệnh nhân ngoài giờ hành chính tại phòng cấp cứu.

 

Chăm sóc ngoại trú ban ngày (Tagespflege)

Điều dưỡng viên tại các cơ sở chăm sóc ngoại trú này sẽ chỉ đảm nhận công việc vào ban ngày và đối tượng chăm sóc chủ yếu là người cao tuổi. Điều dưỡng viên sẽ đến đón những người cần chăm sóc tại nhà vào buổi sáng và đưa họ trở về nhà vào buổi chiều hoặc tối. Bạn sẽ thực hiện các công việc chăm sóc y tế và điều dưỡng cơ bản còn việc vệ sinh cá nhân của bệnh nhân sẽ do người thân hoặc các dịch vụ điều dưỡng khác đảm nhiệm. Tại các cơ sở chăm sóc ban ngày này, người cao tuổi sẽ dành thời gian đọc báo, xem sách, chơi board game, trò chuyện, đi dạo hoặc chơi bài với những người cao niên khác với sự giúp đỡ của các điều dưỡng viên.

 

Bệnh viện/ Chăm sóc nội trú (stationäre Pflege)

Điều dưỡng viên sau khi tốt nghiệp có thể được xin việc ở các phòng và khoa khác nhau như tiêu hoá, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, huyết học hoặc chấn thương chỉnh hình tại các bệnh viện với công việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho bệnh nhân. Ngoài các công việc chuyên môn, điều dưỡng viên tại Đức làm việc ở bệnh viện hoặc khoa nội trú sẽ hỗ trợ bệnh nhân từ A-Z như đi vệ sinh hay ăn uống. Tuỳ thuộc vào từng chuyên khoa mà yêu cầu về thể lực hay bằng cấp chứng chỉ sẽ khác nhau. Chẳng hạn như khoa chấn thương thì sẽ yêu cầu về thể lực nhiều hơn khoa huyết học. Điều dưỡng viên làm việc tại đây cần nắm rõ các thủ tục hành chính và thủ tục chuyên khoa.

 

Chăm sóc tại nhà ngoại trú (ambulante Pflege)

Ngoài những công việc toàn thời gian tại bệnh viện, điều dưỡng viên có thể làm việc ở các cơ sở chăm sóc bệnh nhân ngoại trú. Điều dưỡng viên sẽ thăm khám bệnh nhân tại nhà, kiểm tra đánh giá và hỗ trợ bệnh nhân theo lệnh của bác sĩ điều trị. Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân tại môi trường sống của họ sẽ giúp điều dưỡng viên thấu hiểu và quan sát được nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ của bệnh nhân hơn là khi họ tới bệnh viện thăm khám. Bên cạnh đó, trở thành một điều dưỡng viên chăm sóc tại nhà giúp bạn có thể làm chủ được thời gian và lịch trình của mình, không bị ràng buộc chặt chẽ giống như các ca trực tại bệnh viện.

 

Trung tâm chăm sóc đặc biệt (Intensivstation)

Các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch sẽ được theo dõi và điều trị tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. Thông thường điều dưỡng viên tại Đức làm việc ở trung tâm chăm sóc đặc biệt sẽ gặp các trường hợp có nguy cơ tử vong cấp tính sau các vụ tai nạn hoặc bệnh nhân sau phẫu thuật. Mục đích của quá trình theo dõi này là nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường về tình trạng của bệnh nhân để đội ngũ y bác sĩ kịp thời điều trị. Điều dưỡng viên tại Đức làm việc ở các trung tâm chăm sóc đặc biệt cần nắm được cách thức vận hành các loại máy móc hỗ trợ chức năng sống như máy thở, các loại máy hỗ trợ chạy thận/ tim phổi nhân tạo. Các điều dưỡng viên trực tiếp hỗ trợ bác sĩ bắt buộc phải có chứng chỉ dành riêng cho chuyên khoa cấp cứu và hồi sức tích cực. Tại một số bệnh viện hoặc phòng khám, điều dưỡng viên còn phải đạt yêu cầu có kinh nghiệm tối thiểu 2 năm trong cùng lĩnh vực.

 

*nguồn: VICAT