8 MÓN BÁNH NỔI TIẾNG TẠI ĐỨC BẠN NÊN BIẾT

8 MÓN BÁNH NỔI TIẾNG TẠI ĐỨC BẠN NÊN BIẾT

21:17 - 23/08/2021

Nghề làm bánh tại Đức được đưa vào chương trình đào tạo nghề tại Đức. 1 phần vì những món bánh (ẩm thực ngọt) này là linh hồn của Đức, sau bia và xúc xích. Sự nổi tiếng của những món bánh Đức luôn làm những thực khách khó tính nhất cũng phải xiêu lòng vì hương vị đặc biệt, mà chỉ có tại Đức. Hãy cũng điểm qua 8 món bánh nổi tiếng tại Đức nhé.

  • Baumkuchen

Baumkuchen trong tiếng Đức nghĩa là "bánh cây", đây là chiếc bánh có nhiều lớp mỏng tạo thành vòng tròn, như một thân cây cắt ngang. Món bánh này đặc biệt phổ biến trong dịp lễ Giáng sinh.

Theo truyền thống, Baumkuchen được nướng bằng cách phết từng lớp bột bánh lên một khúc gỗ tròn lớn và liên tục được quay trong lò lửa. Mỗi lớp bột bánh phải chín và chuyển nâu vàng mới được phết lớp mới lên. Khi Baumkuchen đã chín hoàn toàn, được rút ra khỏi khúc gỗ và cắt lát theo chiều ngang, ta có thể thấy bánh có nhiều lớp như các vòng tuổi trong gốc cây.

Một chiếc bánh Baumkuchen điển hình được tạo thành từ 15 - 20 lớp bột. Tuy nhiên, bánh có thể có nhiều lớp hơn thế khi quá trình phết bột – nướng bánh – phết bột liên tục được lặp lại. Các thợ làm bánh giỏi có thể nướng ra một "thân cây" Baumkuchen khổng lồ với nhiều hơn 25 lớp và nặng đến hơn 40kg. Những chiếc Baumkuchen này khi hoàn thành có thể dài đến hơn 1 mét. 

Baumkuchen mang tên "bánh cây" không chỉ vì hình dáng khi cắt bánh ra giống như thân cây, mà còn bởi khúc gỗ được sử dụng để nướng bánh chính là thân cây sồi. Với người Đức, cây sồi là loài cây đặc biệt, là biểu tượng của sức mạnh và những khu rừng. Vì liên quan đến cây sồi nên Baumkuchen cũng được coi như vua của các loại bánh kẹo Đức. Baumkuchen là biểu tượng của Hiệp hội Bánh kẹo Đức, và những người thợ làm bánh chỉ được coi là lành nghề cho đến khi họ làm thành thục được loại bánh này.

 

  • Stollen

Với người Đức, món bánh stollen trong dịp Giáng Sinh quan trọng như món bánh chưng bánh tét của người Việt mình trong ngày Tết. Stollen là món bánh mì ngọt nhân hoa quả khô, hay còn có tên gọi đầy đủ là Weihnachtsstollen hoặc Christstollen. Đây được xem như món ăn truyền thống không thể thiếu trong suốt mùa lễ Noel của người dân nước Đức. Món bánh này có lịch sử từ những năm 1300 và vùng đất Dresden được coi là nơi sản sinh ra những chiếc bánh Stollen truyền thống đầu tiên. Cho đến ngày nay, Dresden Stollen vẫn là dòng bánh nổi tiếng nhất trong các loại Stollen.

Để làm ra một chiếc stollen đúng chuẩn, bạn sẽ cần bột mì, men, bơ, sữa, nước, các loại hoa quả khô, các loại hạt xay nhuyễn và vỏ cam chanh được làm thành mứt. Điểm đặc trưng nhất ở món bánh này có lẽ nằm ở vị ngọt thanh được tạo ra bởi các loại mứt và hoa quả khô thay vì dùng quá nhiều đường cát để có độ ngọt sắc giống như các loại bánh khác. Thêm một điều đặc biệt nữa là người ta thường làm bánh stollen trước Giáng Sinh tận 3-4 tuần để bánh có đủ thời gian “ngấm”, thơm, dai và mềm ngọt. Stollen là thứ bánh ngọt đặc trưng nhất mà bạn không thể bỏ qua khi tới thăm nước Đức xinh đẹp vào dịp giáng sinh.

 

  • Prinzregententorte

Chiếc bánh torte vô cùng đặc biệt của vùng Bayern thường có từ 6 đến 9 lớp, giữa mỗi lớp bánh là một lớp buttercream. Bánh được bao phủ bởi một lớp chocolate cứng bên ngoài, chính vì vẻ ngoài mịn màng tuyệt đẹp mà Prinzregententorte được mệnh danh là "Người mẹ của mọi loại bánh chocolate".

Cái tên Prinzregententorte được đặt theo tên hoàng tử Luitpold, người trị vì Bayern từ năm 1889 đến năm 1912, tuy vậy, thanh danh của người thợ đầu tiên làm ra chiếc bánh này vẫn còn đang được tranh cãi. Một số câu chuyện kể lại rằng, người đầu bếp riêng của hoàng tử Luitpold, John Rottenhöfer đã làm ra chiếc bánh này để vinh danh hoàng tử. Một số chuyện khác lại kể rằng, người đầu bếp tài ba Anton Seidl chính là người làm ra Prinzregententorte. Ông đã nướng một chiếc bánh chocolate có 9 lớp, tượng trưng cho 9 người con của vua Ludwig I, cha của hoàng tử Luitpold.

Một câu chuyện nữa kể lại, bánh Prinzregententorte lúc đầu có 8 lớp, tượng trưng cho 8 quận của Bayern thời bấy giờ. Heinrich Georg Erbshäuser, người được cho là làm ra chiếc bánh này, đã làm ra nó trong dịp sinh nhật 90 tuổi của hoàng tử Luitpold. Ở Munich ngày trước, ngoài cà phê hoặc trà, người ta còn ăn bánh Prinzregententorte kèm với bia trắng. Phong cách ăn này bắt nguồn từ quán Cafe Erbshäuser, quán này cũng được cho là nơi có công thức Prinzregententorte đúng với truyền thống nhất.

 

  • Streuselkuchen

Trong tiếng Đức, "Streuselkuchen" có nghĩa là "bánh bông lan phủ vụn bánh". Chiếc bánh này thường được phủ một lớp vụn bánh ngọt lên trên cùng. Nó là một tổ hợp đối lập tuyệt vời, khi kết hợp cả lớp vỏ giòn rụm nhưng không được quá cứng, cùng với phần bánh bông lan mềm ẩm bên dưới. Streuselkuchen có thể chỉ bao gồm 2 lớp vỏ - bánh, hoặc được kết hợp thêm một lớp nhân kem béo ngậy hay mứt thơm để làm phong phú hương vị.

Chiếc bánh này đã từng rất phổ biến ở Silesia, Phần Lan vào khoảng cuối thế kỷ 19, là món ăn thường xuyên của rất nhiều gia đình thời bấy giờ. Bánh Streuselkuchen cũng rất được ưa thích ở các hội chợ, trong ngày Lễ Tạ ơn, các đám cưới và lễ rửa tội.

Từ đầu thế kỷ 20, ở Rhineland, Đức, người ta bắt đầu chuộng nướng bánh Streuselkuchen. Nhưng không còn gắn liền với các sự kiện vui vẻ như khi còn ở Silesia, chiếc bánh này lại được ăn sau các buổi lễ tang. Từ đó, bánh Streuselkuchen còn mang một cái tên khác là "bánh lễ tang".

 

  • Schwarzwälder Kirschtorte

Chiếc bánh này có lẽ là chiếc bánh có cái tên "bí ẩn" nhất: "bánh rừng đen". Bánh Schwarzwälder "thứ thiệt" bao gồm nhiều lớp bánh bông lan chocolate xen giữa các lớp kem tươi trộn với anh đào. Bánh sau đó được phủ một lớp kem tươi lên trên, rồi trang trí bằng quả anh đào đen và chocolate bào vụn. Rượu brandy anh đào là một nguyên liệu bắt buộc khi làm bánh Schwarzwälder, nếu không có nguyên liệu này, chiếc bánh sẽ không được phép mang tên Schwarzwälder Kirschtorte khi bán.

Nhiều người vẫn nghĩ chiếc bánh này được đặt theo tên của khu Rừng Đen nổi tiếng ở Baden-Württemberg, tuy nhiên, chính xác hơn, bánh được đặt tên theo loại rượu brandy làm từ quả anh đào, loại rượu đặc trưng của vùng này. Chính vị nồng của loại rượu này đã tạo cho món bánh Schwarzwälder một hương vị vô cùng đặc biệt.

 

  • Zimtsterne

Zimtstern là một loại bánh quy Giáng sinh, có nguồn gốc từ Swabia ở Tây Nam nước Đức, được làm từ bọt của lòng trắng trứng đánh bông, đường, ít nhất 25% hạnh nhân, quế và tối đa 10% bột mì. Nó phổ biến nhất ở Đức và Thụy Sĩ. Cookies loại này được gọi là Plätzchen hoặc Weihnachtsgebäck trong tiếng Đức.

 

  • Apple Strudel

Từ Strudel trong tiếng Đức có nghĩa là "xoáy nước", ở đây dùng để chỉ các lớp bánh xốp mỏng cuộn vào nhau và bọc đầy nhân táo bên trong.​​​​​​

Bánh Strudel táo kiểu truyền thống sẽ bao gồm nhân táo xào đường, quế, nho khô và vụn bánh mì. Sau đó nhân táo sẽ được bọc trong nhiều lớp vỏ mỏng, đem đi nướng và kết quả là sẽ có món Apfelstrudel vỏ giòn, nhân táo thơm ngọt. Đôi khi phần nhân bánh được các đầu bếp người Đức sáng tạo thêm nhiều thành phần khác nhau, như với hạnh nhân, quả óc chó băm nhỏ, nho khô ngâm rượu, vỏ chanh mài, táo ướp trong nước chanh, kem chua, hỗn hợp kem trứng ngọt,…

Bánh táo Strudel ngon nhất là khi được thưởng thức nóng, lúc vừa nướng xong và được rắc thêm một chút đường bột.

 

  • Bienenstich

Cùng với bánh Schwarzwälder, Bienenstich cũng sở hữu một cái tên thú vị không kém. "Bienenstich" trong tiếng Đức có nghĩa là "vết ong đốt". Bánh thường có lớp vỏ phủ hạt hạnh nhân caramel và lớp nhân kem vanilla, buttercream hoặc kem tươi, và chính lớp vỏ hạt hạnh nhân được nấu với đường cho đến khi kẹo lại đã làm cho món bánh này mang hương vị vô cùng đặc biệt.

Để lý giải cho cái tên Bienenstich hài hước, có một truyền thuyết kể lại rằng, một chú ong đã bị hấp dẫn bởi chiếc bánh và bay vào đốt người thợ khi ông đang làm bánh, từ đó, chiếc bánh này được mang cái tên "bánh ong đốt". Chiếc bánh này được xem như một trong số những chiếc bánh cổ điển nhất của mảng ẩm thực ngọt Đức.