10 NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG TẠI ĐỨC

10 NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG TẠI ĐỨC

11:48 - 25/09/2021

Cũng giống như nhiều nước châu Âu, nước Đức với những điều đặc biệt luôn làm người ta nhớ đến mỗi khi đặt chân đến. Cùng điểm qua 10 nét đặc trưng mà chỉ có tại Đức các bạn nhé!

  • Ngày chủ nhật “yên lặng"

 

Người Đức thường gọi chủ nhật là Ruhetag, hoặc ngày yên tĩnh​​​​ để người dân có thể nghỉ ngơi và thư giãn sau một tuần làm việc mệt nhọc. Đường phố vào các ngày chủ nhật thường vắng lặng. Điều đó có nghĩa mọi cửa hàng bán lẻ, trung tâm mua sắm hoặc dịch vụ ăn uống vào ngày này đều sẽ đóng cửa. Bạn vẫn có thể dọn dẹp nhà cửa nếu muốn miễn là hoạt động đó không phát ra tiếng ồn làm ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Điều này cũng được áp dụng cho các ngày lễ lớn tại Đức.

 

  • Luôn mang theo tiền mặt khi ra khỏi nhà

 

Đức là quốc gia rất ưa chuộng tiền mặt. Hầu hết các hoạt động thanh toán tại siêu thị, nhà hàng, quán ăn,...đều sử dụng tiền mặt. Các bạn hãy luôn mang theo tiền mặt khi ra khỏi nhà phòng trường hợp bị từ chối khi thanh toán bằng thẻ tại những nơi công cộng.

 

  • Chúc mừng sinh nhật sớm là điều không may mắn

 

Trong văn hoá Đức, có một quan niệm là “nói trước bước không qua”. Chính vì thế, đối với người Đức, chúc mừng sinh nhật, gửi quà hoặc tặng thiệp sớm là một điềm không may. Người Đức thường mời bạn bè đến nhà để tổ chức ăn uống vào buổi tối ngay trước ngày sinh nhật nhưng đến khi chuông đồng hồ điểm đúng 12 giờ đêm, nhân vật chính mới bắt đầu nhận những lời chúc mừng.

 

  • Mang theo túi đựng đồ khi đi siêu thị

 

Phần lớn các siêu thị tại Đức không có túi đựng bằng nilon như ở Việt Nam. Vì vậy, bạn phải mang theo túi của mình để đựng đồ. Nếu quên mang, bạn sẽ phải mua ở quầy thanh toán của siêu thị với giá tiền tuỳ theo kích thước. Chính vì thế, người Đức luôn chuẩn bị những chiếc túi thật to để đựng đồ khi họ có ý định đi chợ hoặc siêu thị.

 

  • Thói quen nói những gì họ nghĩ

 

Bạn nên chuẩn bị tinh thần trước khi hỏi ý kiến của người Đức vì họ không có thói quen nói giảm nói tránh hoặc những lời nói dối ngọt ngào (white lies). Thậm chí nếu bạn không hỏi ý kiến gì cả thì vẫn có nguy cơ nhận được những lời góp ý hoặc phàn nàn trực tiếp khi bạn vô tình phạm phải luật lệ nào đó của họ. Nước Đức là nơi có nhiều luật lệ và một số điều luật lại bất thành văn nên bạn khó tránh khỏi việc vô tình phạm luật trước khi biết về nó. Nếu bạn lỡ dùng máy cắt cỏ vào ngày Chủ nhật hoặc để chó cưng của mình sủa vào giờ mọi người nghỉ ngơi thì hãy chuẩn bị nhận lời phàn nàn từ hàng xóm. Nếu tình hình vẫn không thay đổi, bạn có thể còn bị chính quyền gửi thư nhắc nhở.

 

  • “Please” có nghĩa là “yes” và “thanks” có nghĩa là “no”

 

Một ví dụ thật dễ hiểu, nếu người Đức hỏi bạn có muốn uống thêm bia không thì khi bạn trả lời “danke” (thanks) họ sẽ hiểu ý của bạn là “no, thanks”. Ngược lại, nếu bạn trả lời rằng “bitte” (please) thì họ sẽ hiểu rằng “yes, please”. Do đó, nếu bạn muốn uống thêm bia hãy trả lời “bitte” còn không muốn uống thì dùng “danke” nhé.

 

  • Tìm đồ đánh rơi ở trên cây

 

Nếu chẳng may bạn vô tình đánh rơi bất kì đồ vật nào như mũ, áo khoác… ở nơi công cộng thì hãy đến ngay các cái cây để tìm vì treo đồ vật nhặt được lên các hàng cây dọc xung quanh ga tàu điện ngầm từ lâu đã trở thành một nét văn hoá Đức. Do đó, khi đi trên đường, nếu bạn có nhặt được của rơi thì hay treo chúng lên cây để giúp người bị mất có thể tìm lại được đồ của họ nhé.

 

  • Đập vỡ bát đĩa trong ngày cưới

 

Trước khi lễ cưới diễn ra, bạn bè, người thân của cô dâu chú rể được mời đến dự một bữa tiệc gọi là “Polterabend”, có nghĩa là ném bát đĩa.

Quy tắc khi tham dự Polterabend là mỗi người sẽ mang theo mình những loại đồ sứ như: bát, chén, đĩa... Tuy nhiên, đồ bằng thủy tinh sẽ không được mang đến lễ cưới. Điều đặc biệt ở đây là những món đồ sứ này không phải mang đến tặng cho cặp uyên ương mới cưới, mà những món đồ gốm sứ đó sẽ được các khách mời ném xuống đất cho nó vỡ tan tành. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ là những người phải quét dọn những mảnh vỡ.

Phong tục đập vỡ chén đĩa này mang ý nghĩa là vĩnh biệt cuộc sống độc thân và bắt đầu một cuộc sống mới sau khi cưới. Theo đó, số lượng những chiếc bát, đĩa bị đập vỡ trước lễ cưới càng nhiều, và cô dâu cùng chú rể phải dọn dẹp hết số đĩa vỡ càng lớn cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng càng bền vững. Đồ vật vỡ hết tượng trưng cho sự đổ vỡ, ném hết sự đổ vỡ đi chỉ còn lại sự gắn kết yêu thương trong cuộc sống vợ chồng.

 

  • Không dễ để được uống nước lọc

 

Khi du khách đi ăn nhà hàng và muốn uống nước lọc thì phục vụ sẽ không đem ra cho du khách nước lọc bình thường mà sẽ là một loại nước có gas nào đấy. Người Đức không bao giờ mời khách uống nước lọc vì theo quan điểm của họ điều đó thể hiện sự không lịch sự. “Nước lọc” theo định nghĩa của người Đức ít nhất phải có sủi bọt hoặc đóng trong chai.

 

  • Gió từ cửa sổ “có độc”

 

Nếu bạn là người thích ở trong một gian phòng thông thoáng có gió thổi nhè nhẹ thì bạn sẽ thấy hơi ngột ngạt khi du học Đức vì người dân ở đây có thói quen đóng kín mọi cửa sổ trong nhà. Người Đức tin rằng gió thổi từ cửa sổ có thể khiến họ đổ bệnh.